Trung Quốc tìm kiếm công nghệ mới để đạt “hai mục tiêu carbon”

Đạt đỉnh phát thải carbon vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060 là hai mục tiêu Trung Quốc đề ra từ năm 2020. Việc tìm kiếm các công nghệ mới, nhất là các loại năng lượng xanh để thay thế năng lượng hóa thạch, đang là một hướng đi để nước này hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra.

Sử dụng nguồn điện từ năng lượng mặt trời, với các nguyên liệu là nước và CO2, tổng hợp ra Methanol dưới tác dụng của chất xúc tác, dùng để thay thế năng lượng hóa thạch, hiện thực hóa mục tiêu sử dụng tuần hoàn carbon, chính là mấu chốt của công nghệ tổng hợp “nhiên liệu mặt trời” mà Viện sĩ Viện Khoa học Trung Quốc Lý Sán và các cộng sự đã nghiên cứu và phát triển trong 20 năm qua.

Công trình điện mặt trời, cung cấp năng lượng đầu vào cho quá trình sản xuất Methanol ở Khu mới thành phố Lan Châu, Trung Quốc. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Công nghệ này đã được kiểm chứng thành công trên quy mô công nghiệp tại Khu mới thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc, mở ra một hướng đi hoàn toàn mới được kỳ vọng giúp Trung Quốc đạt “hai mục tiêu carbon”.

Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, Methanol có thể làm nhiên liệu thay cho xăng dầu, cũng là một hóa chất trung gian ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực hóa học. Việc tạo ra Methanol từ quá trình điện giải nước tạo ra hydrogenium, sau đó cho phản ứng với CO2, đã được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm từ lâu nay, song điều quan trọng là không thể áp dụng trên quy mô lớn bởi tốn thời gian và cần nhiều điều kiện khắt khe.

Bài toán khó đã được giải quyết khi nhóm nghiên cứu phát triển thành công chất xúc tác hiệu quả cao, góp phần “tăng tốc” các phản ứng hóa học, nâng cao hiệu suất một cách toàn diện, khiến việc sản xuất Methanol trên quy mô công nghiệp trở thành hiện thực.

Đại diện Khu mới thành phố Lan Châu, nơi triển khai dự án, cho biết, công nghệ sản xuất Methanol đã được Liên hiệp Dầu mỏ và Hóa chất Trung Quốc thẩm định và đánh giá đạt tiêu chuẩn quốc tế; thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất công nghiệp, đưa vào thương mại hóa, để ứng dụng rộng rãi vào các ngành nghề, như làm nhiên liệu cho ô-tô, tàu chở hàng công suất lớn…

Đại diện Khu mới thành phố Lan Châu giới thiệu về quy trình công nghệ sản xuất Methanol. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Giới chuyên môn Trung Quốc đánh giá, đây là một công nghệ “mang tính cách mạng”, bởi có thể biến CO2 trở thành nguồn nguyên liệu sản xuất quan trọng, có giá trị sử dụng; được kỳ vọng sẽ thay đổi cơ cấu năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào các loại tài nguyên hóa thạch, hình thành ngành năng lượng mới, cải thiện môi trường sinh thái.

Theo ước tính, Trung Quốc trung bình mỗi năm phát thải khoảng 10 tỷ tấn CO2, trong đó gần một nửa tập trung vào các ngành công nghiệp như điện, hóa chất, luyện kim… Nếu có thể đem lượng CO2 này vào sản xuất Methanol thì không những có thể giảm 5 tỷ tấn CO2 phát thải mỗi năm, mà còn có thể mang lại 3,5 tỷ tấn nhiên liệu xanh phục vụ nhu cầu xã hội, góp phần vào hiện thực hóa “hai mục tiêu carbon” mà Trung Quốc đề ra.

HỮU HƯNG/BÁO NHÂN DÂN

Subscribe to our newsletter!

TIN TỨC ESG