Xanh hóa bao bì cho sản phẩm Việt

Bao bì không thân thiện với môi trường, ghi nhãn không đúng, chắc chắn sản phẩm sẽ không được nhập khẩu, mặc dù bao bì đẹp cỡ nào đi chăng nữa.

Đó là nhận định của bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao khi nói về việc phát triển, thiết kế bao bì phù hợp với xu hướng tiêu dùng và các quy chuẩn trong nước và quốc tế.

Chuyên gia trong ngành nhựa cho biết, Việt Nam là một trong 5 quốc gia thải rác thải ra đại dương nhiều nhất thế giới. Thải ra nhiều nhất không phải Việt Nam sử dụng nhiều mà do không có cách xử lý tốt. Hiện nay cũng như thời gian tới, việc sử dụng các sản phẩm tái chế sẽ trở thành xu hướng. Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, ngoài các yếu tố như chất lượng, giá cả hàng hóa, bao bì ngày càng chiếm một vai trò quan trọng. Bao bì cũng tác động lớn đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Đặc biệt, những loại bao bì, chất liệu bao bì thân thiện môi trường là yếu tố được số đông người tiêu dùng ủng hộ. Vì vậy, DN Việt cần quan tâm đến xu hướng đóng gói, bao bì trong thị trường nội địa và xuất khẩu.

Ông Trần Việt Anh – Phó Chủ tịch Hội DN TPHCM cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam có độ mở cao. Tính đến thời điểm này xuất khẩu đạt trên 700 tỷ USD, 800 tỷ USD sẽ là mục tiêu xuất khẩu của năm tới. Hiện các nước đề cao vấn đề phát triển xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn cho nên tái chế trở thành xu hướng mới, kể cả sản phẩm bao bì, cao su, may mặc, gỗ… Bao bì thân thiện với môi trường được người tiêu dùng lựa chọn hơn. DN Việt nên tìm hiểu kỹ và có hướng chuyển dịch kịp thời tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.

Về đóng gói, bao bì cho thị trường nội địa và xuất khẩu, bà Vũ Kim Hạnh cho rằng, theo xu hướng hiện nay, bao bì phải phù hợp với quy cách mới về thân thiện với môi trường. Đồng thời, ghi nhãn bao bì đúng là những cái rất mới và quan trọng hơn bao bì đẹp. Bao bì đẹp cũng tùy phân khúc khách hàng, cái đẹp là cái tinh tế nhất, hấp dẫn nhất song quan trọng vẫn là quy cách.

Ông Nguyễn Như Khuê – Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ hóa nhựa Bông Sen khẳng định, bao bì không chỉ là công cụ để bảo vệ sản phẩm mà còn giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu cho DN. Đáng chú ý, với các sản phẩm xuất khẩu, DN cần biết rõ các yêu cầu của thị trường liên quan đến bao bì để tránh tình trạng hàng hóa bị từ chối.

“Nhật Bản thu gom 600.000 tấn ống nhựa trong đó trên 90% được quay về sản xuất. Các nước đã tái chế bao nylon từ hàng chục năm trước. Còn Việt Nam đang đem chôn rác và đốt rác nhưng không thể đốt được vì chưa phân loại. Cả triệu tấn nhựa hiện chưa tái chế được” – ông Việt Anh nói và cho biết, ở Việt Nam việc tìm hiểu về quy định bao bì, nhãn mác còn rất hạn chế. Trong khi đó, các nước đang áp dụng kinh tế tuần hoàn. Muốn tuần hoàn thì phải dùng nguyên liệu tái chế. Sản phẩm phải quay lại giấy phải trở về giấy, ống nhựa phải trở về ống nhựa.

Theo ông Việt Anh, sắp tới Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ có quy định về tái chế, tài chính cho tái chế. Tái chế nghĩa là đưa ra bao nhiêu phải thu lại bấy nhiêu chứ không còn khái niệm chung chung kiểu như sản phẩm thân thiện môi trường. Định hướng những chính sách cụ thể để tái chế dễ dàng thực hiện, ông Việt Anh thông tin thêm, những sản phẩm không tái chế được không cho đầu tư không duyệt dự án đầu tư. Cần xây dựng những quy định trên cơ sở phù hợp. Khuyến khích cho DN làm tái chế để các DN ai cũng muốn làm tái chế vì tái chế có lời.

Bà Nguyễn Thị Xuân Yến – nhà nghiên cứu về Phát triển bền vững nhận định: Xanh hóa bao bì đang trở thành xu hướng để tăng sức cạnh tranh và bảo vệ môi trường. Ghi nhận, hiện nay có khoảng 38% người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền nhiều hơn cho sản phẩm xanh, bền vững.


Nguồn: Đại Đoàn kết


Subscribe to our newsletter!

TIN TỨC ESG